Điều kiện kinh doanh BĐS (Điều 6, 7, 8, 9, 10, 16)
– Trong đó, cần xem xét kỹ một số điểm sau:
+ Quy định về điều kiện BĐS trở thành hàng hoá trong kinh doanh BĐS: tại Điều 7 đã quy định:
1. Nhà, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh phải có các điều kiện sau đây:
a) Thuộc đối tượng được phép kinh doanh;
b) Đối với nhà, công trình xây dựng mới phải bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật về xây dựng; đối với nhà, công trình xây dựng đã qua sử dụng thì yêu cầu về chất lượng do các bên thoả thuận trong hợp đồng;
c) Không có tranh chấp về quyền sở hữu;
d) Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
đ) Không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
e) Có hồ sơ bao gồm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng và quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật đối với nhà, công trình xây dựng đã có sẵn; giấy phép xây dựng hoặc hồ sơ dự ánvà thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt đối với nhà, công trình đang xây dựng; thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ hoàn công và biên bản nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng đối với nhà, công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng; hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công và tiến độ xây dựng nhà, công trình xây dựng đã được phê duyệt đối với nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.
2. Quyền sử dụng đất đưa vào kinh doanh phải có các điều kiện sau đây:
a) Thuộc đối tượng được phép kinh doanh;
b) Có giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
c) Không có tranh chấp;
d) Trong thời hạn sử dụng đất;
đ) Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
e) Trường hợp chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất thuộc dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp thì phải có các công trình hạ tầng tương ứng với nội dung và tiến độ của dự án đã được phê duyệt.
3. Các BĐS khác theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 6 của Luật này được đưa vào kinh doanh phải có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ.
+ Quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh BĐS: tại Điều 8 đã quy định:
1. Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh BĐS phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, phải có vốn pháp định và đăng ký kinh doanh BĐS theo quy định của pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ BĐS phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, đăng ký kinh doanh dịch vụ BĐS theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này.
Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS phải có ít nhất 01 người có chứng chỉ môi giới BĐS; khi kinh doanh dịch vụ định giá BĐS phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ định giá BĐS; khi kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ môi giới BĐS, nếu có dịch vụ định giá BĐS thì phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ định giá BĐS.
3. Cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và có chứng chỉ môi giới BĐS.
+ Quy định về phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài:
Theo quy định tại Điều 9 của Luật Kinh doanh BĐS thì phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS của tổ chức, cá nhân trong nước như sau:
1. Tổ chức, cá nhân trong nước được kinh doanh BĐS trong phạm vi sau đây:
a) Đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
b) Mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
c) Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
d) Đầu tư cải tạo đất và đầu tư các công trình hạ tầng trên đất thuê để cho thuê đất đã có hạ tầng;
đ) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu tư công trình hạ tầng để chuyển nhượng, cho thuê; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng để cho thuê lại.
2. Tổ chức, cá nhân trong nước được kinh doanh dịch vụ BĐS trong phạm vi sau:
a) Dịch vụ môi giới BĐS;
b) Dịch vụ định giá BĐS;
c) Dịch vụ sàn giao dịch BĐS;
d) Dịch vụ tư vấn BĐS;
đ) Dịch vụ đấu giá BĐS;
e) Dịch vụ quảng cáo BĐS;
g) Dịch vụ quản lý BĐS.
Theo quy định tại Điều 10 của Luật Kinh doanh BĐS thì phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS của tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có phần khác biệt so với phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS của tổ chức, cá nhân trong nước, cụ thể như sau:
– Kinh doanh BĐS trong phạm vi đầu tư tạo lập nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; đầu tư cải tạo đất và đầu tư các công trình hạ tầng trên đất thuê để cho thuê đất đã có hạ tầng;
– Kinh doanh dịch vụ BĐS theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Luật bao gồm: dịch vụ môi giới BĐS; dịch vụ định giá BĐS; dịch vụ sàn giao dịch BĐS; dịch vụ tư vấn BĐS; dịch vụ đấu giá BĐS; dịch vụ quảng cáo BĐS; dịch vụ quản lý BĐS.
Ngoài phạm vi quy định tại Khoản 1 Điều 10, căn cứ vào quy định của Luật này, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật có liên quan, Chính phủ quy định các hoạt động khác về kinh doanh BĐS của tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội từng thời kỳ và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.