Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) là một “cuộc chơi lớn”, trong đó cần có những “người cùng chơi” có tầm nhìn và tiềm lực. Đó là một trong những ý được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về ĐTTM ASEAN năm 2020 diễn ra ngày 22/10 tại Hà Nội.
Sáu nguyên tắc quan trọng
Thủ tướng cho rằng phát triển ĐTTM trước hết phải gắn kết chặt chẽ với hạ tầng thông tin mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số trong CMCN 4.0 và quá trình phát triển đô thị Việt Nam.
Đồng thời ĐTTM phải trên cơ sở cân nhắc cơ hội và rủi ro, thách thức gắn với nhu cầu và năng lực của địa phương, không thực hiện theo phong trào, cần làm từng bước, có chọn lọc theo lộ trình.
Theo Thủ tướng, cần tiếp cận đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, kế thừa và phát huy kinh nghiệm của 35 năm đổi mới, đồng thời phát triển những giá trị gia tăng do công nghệ, kỹ thuật mới đem lại, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng riêng của khối ASEAN và đặc thù của các quốc gia thành viên.
Các địa phương cần chú trọng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu thông minh, thúc đẩy quy hoạch và các giải pháp quản lý ĐTTM.
Ngoài ra, cần thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân. Đô thị thông minh phải là đô thị của chính người dân. Đó là đô thị có quy hoạch xã hội tốt nhất, giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, con người nhân văn.
Cuối cùng, cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình chiến lược khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết hài hòa các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và định hướng phát triển ĐTTM bền vững.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh vai trò quan trọng và xu hướng phát triển tất yếu của ĐTTM. Trong dự thảo Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ phát triển ĐTTM là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
Dẫn chứng kinh nghiệm thành công của nhiều nước tiên tiến trên thế giới, ông Văn nhận định, thành phố thông minh luôn được bắt đầu từ quy hoạch thông minh. Do đó, xây dựng công cụ nhằm quản lý phát triển đô thị trên nền tảng quy hoạch thông minh và lồng ghép những nội dung này vào Chiến lược đô thị hóa cần được coi là vấn đề trung tâm.
Cơ hội nào tại Việt Nam?
Thực tiễn xây dựng và ứng dụng các giải pháp ĐTTM tại các đô thị trên thế giới đã đem lại những hiệu quả tích cực về nhiều mặt. Điển hình như ứng dụng giao thông thông minh tại Stockhom, Thụy Điển vào giờ cao điểm đã làm giảm lưu lượng giao thông 20%, giảm thời gian đi lại gần 50%, giảm phát khí thải 10%.
Ứng dụng quản lý cấp nước thông minh ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) giảm tỷ lệ nước thất thoát từ 50% (so với mức trung bình thế giới là 34%) xuống còn một nửa. Các giải pháp tòa nhà thông minh tại Mỹ tiết kiệm đến 30% lượng nước tiêu thụ, 40% năng lượng, giảm 10-30% tổng chi phí vận hành…
Đến nay, việc phát triển ĐTTM đã rộng khắp trên thế giới. Một số quốc gia đã rất tích cực thúc đẩy phát triển mô hình này như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hà Lan, Singapore,….
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cũng có những cơ hội riêng để theo đuổi mô hình ĐTTM.
Dẫn chứng là những năm qua, Việt Nam đã tích tụ nhiều cơ sở chuyển đổi số để hòa nhập vào xu hướng chung, cơ bản phủ sóng 4G, 54% dân số dùng Internet, khoảng 55% người sử dụng điện thoại thông minh.
Xếp hạng chỉ số sẵn sàng kết nối NRI của Việt Nam năm 2016 đạt 79/139 nước. Xếp hạng về đánh giá khả năng tiếp cận các dịch vụ CNTT đứng thứ 3/139 nước.
Nhiều doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đã nhanh chóng tổ chức nghiên cứu, ứng dụng phát triển đô thị thông minh ở các cấp độ khác nhau.
Nhiều thành phố đã triển khai các chương trình xây dựng thí điểm thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà cho rằng, đi kèm với cơ hội sẽ là những rủi ro về sự thay đổi công nghệ; về tài chính để đầu tư đồng bộ, duy trì hệ thống và duy trì hệ thống phục hồi; về sự phụ thuộc vào năng lượng để vận hành hệ thống trang thiết bị; về an toàn bảo mật thông tin, bị xâm nhập và can thiệp mất quyền kiểm soát; gia tăng rủi ro tác động bất lợi có tính dây chuyền khi có biến động toàn cầu do sự gia tăng kết nối sâu rộng.
Bên cạnh đó, còn có rủi ro về sự biến đổi của các mối quan hệ xã hội và các giá trị truyền thống do tác động trái chiều của môi trường sống thay đổi quá phụ thuộc vào công nghệ; nguy cơ dôi dư lao động do gia tăng tự động hóa; rủi ro do mô hình đầu tư mới, chưa có tiền lệ.
Thực tế cho thấy, quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam cũng đã bộc lộ những bất cập lớn. Đơn cử như phát triển thiếu tính kết nối, thiếu bản sắc, tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông trong đô thị cũng diễn ra thường xuyên và phức tạp.
“Do đó, cần những thay đổi lớn về tư duy quản lý phát triển đô thị để đảm bảo rằng quá trình này sẽ đóng góp toàn diện vào mục tiêu trở thành nước thu nhập cao trong thập kỷ tới đây”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo ông Hà, phát triển ĐTTM tại Việt Nam cần gắn với 3 trụ cột chính là quy hoạch và xây dựng ĐTTM, quản lý ĐTTM và thực hiện các dịch vụ, tiện ích đô thị một cách thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.