Khi đà suy giảm của năm 2019 còn chưa kết thúc, thị trường bất động sản phải gánh chịu thêm Covid-19, khiến không ít doanh nghiệp địa ốc đuối sức.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc đuối sức
Giám đốc một doanh nghiệp phân phối bất động sản tại TP.HCM cho biết, trước đây, dù thị trường còn khó khăn nhưng lác đác vẫn có khách hàng quan tâm. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp hầu như không bán được sản phẩm nào. Trong khi đó, tiền lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng và nhiều loại phí khác vẫn phải lo khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Có thể thấy, việc tìm nguồn vốn để duy trì, phát triển dự án của nhiều doanh nghiệp địa ốc đang càng trở nên bức thiết khi 3 quý vừa qua, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tích lũy, nhưng nay đã cạn kiệt.
Theo báo cáo tài chính quý III/2020 của Tập đoàn Bất động sản An Gia, doanh thu trong kỳ chỉ đạt 13,6 tỷ đồng, giảm gần 4,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và giảm hơn 20% so với quý trước đó. Đáng chú ý, đây là quý thứ 3 liên tiếp An Gia “trắng tay” ở mảng bán hàng, Công ty hoàn toàn không bán được căn hộ nào trong suốt 9 tháng qua và 86% doanh thu đến từ dịch vụ tư vấn, môi giới và tiếp thị.
Điều đáng nói, An Gia xuất thân từ một công ty môi giới trước khi tập trung vào phát triển dự án bất động sản. Công ty đã niêm yết cổ phiếu trên HOSE hồi đầu năm để tiếp tục theo đuổi định hướng trở thành nhà phát triển đô thị trong 5 năm tới. Tuy nhiên, từ đó đến nay, An Gia vẫn chưa thể bứt phá.
Không chỉ An Gia, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng lâm vào cảnh kinh doanh bết bát do dịch Covid-19. Đơn cử, trong quý III/2020, TTC Land ghi nhận doanh thu 112,5 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn giảm đột biến, lợi nhuận gộp tăng gần 4 lần (lên hơn 30 tỷ đồng), nhưng điều đó không đủ giúp lợi nhuận sau thuế của TTC Land khỏi sự sụt giảm mạnh khi chỉ đạt gần 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng tới 174 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh là do doanh thu tài chính giảm hơn 50%, từ mức 98 tỷ đồng của quý III/2019 xuống còn 40 tỷ đồng trong quý này, cho dù Công ty tiếp tục ghi nhận sự chuyển đổi cơ cấu doanh thu, trong đó hoạt động cho thuê sàn thương mại đã tăng từ 5,9% lên 23,1%.
Theo giải trình của TTC Land, do một số dự án chưa thể ghi nhận doanh thu cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các chỉ tiêu kinh doanh chính giảm mạnh. Để đối phó với tình hình khó khăn, TTC Land cho biết đang tái cấu trúc danh mục đầu tư để tập trung phát triển các dự án cốt lõi, cải thiện doanh thu.
Hay như “ông lớn” Đất Xanh Group, doanh thu hợp nhất quý III/2020 cũng chỉ ở mức 797 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 100 tỷ đồng, giảm gần 72%. Trong đó, lợi nhuận Công ty mẹ là hơn 32 tỷ đồng, giảm gần 86%.
Chưa hết cơ hội “lật ngược thế cờ”
Năm 2020, sự mất cân đối cung – cầu và dịch Covid-19 là những “điểm nghẽn” trên thị trường bất động sản, các chủ đầu tư “chịu nhiệt” kém sẽ phải rời bỏ cuộc chơi để nhường lại sân chơi cho các chủ đầu tư có thương hiệu, nguồn lực và chiến lược phát triển dài hạn.Chỉ những dự án đầy đủ pháp lý, chủ đầu tư có năng lực để triển khai theo cam kết, chất lượng sản phẩm – dịch vụ đảm bảo kết hợp với hoàn thiện cảnh quan, tiện ích mới được lựa chọn.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên đầu tư căn hộ tại quận 9 cho hay, công ty đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình mới khi có quy hoạch TP. Thủ Đức. Dự tính trong đầu quý I/2021, công ty sẽ cho ra mắt dự án, thay vì kế hoạch ban đầu là vào giữa tháng 12/2020.
“Trong thời gian còn lại của năm 2020 cũng như trong quý I/2021, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ chứng kiến việc tái khởi động của nhiều dự án. Có thể mức độ ra hàng sẽ chưa nhiều, nhưng cũng là dấu hiệu khả quan”, vị này nói.
Trước khi Covid-19 xuất hiện, thị trường bất động sản đã gặp khó khăn bởi nguồn cung hạn hẹp, giá bán nhiều khu vực tăng cao, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đổ vỡ cam kết lợi nhuận… Vì thế, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhiều người đã nghĩ đến viễn cảnh “cơn đại hồng thủy” này sẽ cuốn trôi thị trường bất động sản. Thế nhưng từ sau đợt giãn cách xã hội thứ hai, thị trường bất ngờ khởi sắc, các dự án do những doanh nghiệp lớn và uy tín đưa ra đều được nhà đầu tư đón nhận.
Thị trường bất động sản Việt Nam không những không sụp đổ mà còn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Trong năm tới, điểm sáng sẽ xuất hiện nhiều hơn, tạo ra những thay đổi mang tính bản lề, làm tiền đề phát triển cho một chu kỳ mới.
Dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, song đây cũng là dịp để thị trường thanh lọc các dự án, chủ đầu tư yếu kém. Theo đó, thị trường sẽ hình thành lớp nhà đầu tư mới, xu hướng mới, sẵn sàng cho vận hội mới trong năm 2021.
Thị trường sẽ có thêm điểm tựa khi những vướng mắc về cơ chế, chính sách được tháo gỡ. Trước mắt, những dự án bất động sản bị ngưng trệ những năm 2019-2020 sẽ được tái khởi động khi công tác thanh – kiểm tra đi vào giai đoạn cuối và trong thời gian tới, các cấp chính quyền địa phương sẽ tập trung xử lý những bất cập, tháo gỡ rào cản cho các dự án đầu tư, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế nói chung và các dự án bất động sản nói riêng một cách bền vững, từ đó tạo nguồn cung ổn định và dài hạn cho thị trường.