Đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan rộng trên toàn cầu vô tình thúc đẩy nhu cầu bất động sản đối với ngành công nghệ sinh học và khoa học đời sống.
Ngành khoa học là một trong những ngành nghề phát triển mạnh nhất trong thời gian qua. Do nhu cầu cấp thiết của việc nghiên cứu chế tạo ra vắc-xin phòng bệnh Covid-19, hàng loạt phòng thí nghiệm mới cũng như rất nhiều việc làm liên quan đến ngành khoa học đã được tạo ra trong suốt sáu tháng qua. Điều này khiến giá thuê các mặt bằng để xây dựng phòng thí nghiệm tăng lên đáng kể.
Theo báo cáo mới nhất từ CBRE, tại những quốc gia có ngành khoa học và y tế phát triển hàng đầu trên thế giới, đã có khoảng hơn 10 triệu m2 các phòng thí nghiệm được xây mới. Tuy nhiên, nhu cầu đối với việc này vượt xa con số 10 triệu m2, thậm chí theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu đối với việc sử dụng các phòng thí nghiệm có thể lên tới hơn 15 triệu m2. Tỷ lệ các phòng thí nghiệm bị bỏ trống trên toàn cầu hiện đạt khoảng 8%, mức thấp nhất lịch sử, qua đó đẩy giá thuê lên rất cao.
Spencer Levy, nhà cố vấn kinh tế cấp cao tại CBRE cho biết: “Công nghệ sinh học có thể là phân khúc hấp dẫn nhất đối với lĩnh vực bất động sản thương mại hiện nay. Không chỉ vì đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu mà những xu hướng này đã tồn tại từ trước đó. Tầm quan trọng của ngành y học và công nghệ đối với đời sống con người cũng như tầm quan trọng của việc đầu tư bất động sản trong lĩnh vực này đang ngày càng tăng”.
Vốn đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực này trên toàn cầu đã đạt mức 17,8 tỷ USD trong quý 2/2020. Theo dữ liệu từ công ty kiểm toán PwC, đây là số tiền cao nhất từng được ghi nhận. Chỉ tính riêng tại Mỹ, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ đại dịch Covid-19, đã có tới 220.000 việc làm mới liên quan đến ngành khoa học và công nghệ sinh học được tạo ra trong tháng 7.
Các nhà đầu tư liên quan đến bốn phân khúc chính của bất động sản bao gồm căn hộ, bán lẻ, văn phòng và công nghiệp hiện đang tìm kiếm các giải pháp thay thế như đầu tư vào tài sản của những nhóm ngành công nghệ sinh học, trung tâm dữ liệu, ký túc xá cho sinh viên,…
Ngành công nghệ sinh học đã phát triển mạnh mẽ nhờ đại dịch Covid-19. Hiện nay, ngành nghề này cũng đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn. Dường như không có nhiều rủi ro đối với lĩnh vực này, trừ khi nhu cầu tăng quá cao hoặc các công việc xây dựng bị hoãn để đảm bảo an toàn về giãn cách xã hội.
“Giá cổ phiếu thuộc lĩnh vực này đang ở mức ổn định. Tại sao lại như vậy? Đơn giản là vì nhu cầu về công nghệ sinh học đang ở mức rất cao”, ông Levy nói thêm. “Tương lai tươi sáng đang đón chờ nhóm ngành nghề này. Các nhà đầu tư có thể tìm kiếm thêm những giải pháp thay thế với tiềm năng cao thay vì tập trung vào các phân khúc chính của bất động sản”.