Doanh nghiệp dự chi hàng nghìn tỉ “săn” quỹ đất sạch

Vừa ứng phó với những khó khăn tồn đọng từ năm 2019, vừa đối mặt với áp lực đến từ đại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang tích cực mở rộng quỹ đất để sẵn sàng trở lại khi thị trường hồi phục.

Mở rộng quỹ đất là một trong những mục tiêu được Công ty cổ phần phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) đặt ra trong báo cáo thường niên, mặc dù xác định 2020 là một năm cực kỳ khó khăn.

Ngoài thị trường chủ lực là TP.HCM với sản phẩm nhà thấp tầng, chung cư, các tổ hợp cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại, Thuduc House tiếp tục tìm kiếm quỹ đất để phát triển dự án trong 10 năm tới, mở rộng hoạt động sang các tỉnh thành lân cận đang có tiềm lực phát triển như Cần Thơ, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thuduc House phát triển quỹ đất bằng cách nhận chuyển nhượng từ tư nhân với những khu đất có quy mô vừa và nhỏ (1-10ha) tại các khu đô thị lớn để xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động. Đồng thời, hạn chế đầu tư vào các khu vực, dự án có liên quan đến đất công để tránh những vướng mắc về thủ tục pháp lý.

Tương tự, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long cũng công bố sẽ dành từ 500 đến 1.000 tỉ đồng để tích lũy thêm ít nhất 10 – 20ha quỹ đất sạch. Qũy đất mới này để sẵn sàng cho việc phát triển dự án, phát triển của các dòng sản phẩm phù hợp với thu nhập của từng phân khúc thị trường như sản phẩm EHome/ EHomeS, Flora; nhà phố/biệt thự Valora hay quy mô lớn hơn là các khu đô thị với hệ sinh thái bất động sản hoàn chỉnh.

Bên cạnh việc tìm kiếm quỹ đất mới, với 681ha quỹ đất sạch sẵn có, Nam Long đặt ra kế hoạch triển khai cùng lúc 6 dự án khu đô thị gồm Akari City(8,5ha), Mizuki Park (26ha), Water Point(355ha), Nam Long Đại Phước (45ha), Waterfront (170ha) và Nam Long Hải Phòng (21ha).

Số lượng dự án này sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 15.000 sản phẩm cho giai đoạn 3 năm 2020-2022. Riêng trong năm nay, trong bối cảnh bệnh dịch, Nam Long dự kiến đưa ra thị trường khoảng 1.500-2.000 sản phẩm từ các dự án Akari City, WaterPoint và Mizuki Park.

Tổng thể sân vường
Không đứng ngoài cuộc, trong báo cáo thường niên, Tập đoàn Novaland xác định M&A vẫn tiếp tục là con đường phát triển quỹ đất của tập đoàn này trong năm 2020 và các năm tới.
Ngoài việc chú trọng lựa chọn M&A các dự án bất động sản có vị trí đắc địa, pháp lý chắc chắn tại khu vực trung tâm TP.HCM, Novaland cũng tiếp tục đẩy mạnh xu hướng M&A dự án thiên về mô hình đô thị sinh thái thông minh tại các vị trí phát triển khu đô thị vệ tinh, trọng điểm là khu vực Đồng Nai.
Năm 2019, thông qua hoạt động M&A, Novaland đã gia tăng quỹ đất lên thêm 762 ha. Tính đến cuối năm 2019, Novaland đã có quỹ đất dành cho phát triển bất động sản trung tâm và bất động sản khu đô thị vệ tinh khoảng 1.394 ha.
Một tân binh mới niêm yết trên sàn HoSE là An Gia cũng đặt mục tiêu mỗi năm sẽ dùng khoảng 5.000 – 10.000 tỉ đồng để tạo quỹ đất, đảm bảo đầu vào phát triển trong 10 năm tới. Mỗi dự án có quy mô trung bình dưới 1.000 tỉ đồng phù hợp với phân khúc vừa túi tiền và trung cấp. Khu vực An Gia hướng đến là thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Trên thực tế, dù thị trường sôi động hay trầm lắng thì hoạt động động mở rộng quỹ đất của các doanh nghiệp bất động sản vẫn âm thầm diễn ra. Nhưng có sự khác biệt so với giai đoạn trước là hiện nay quỹ đất khu vực trung tâm TP.HCM khan hiếm, nhiều doanh nghiệp chuyển hướng “săn” quỹ đất ở vùng ven và các tỉnh lân cận.
Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, nhìn toàn cảnh bất động sản Việt Nam vẫn là một một thị trường có nhiều lợi thế và thu hút được không chỉ các nhà đầu tư trong nước mà còn cả nhà đầu tư nước ngoài. Những lợi thế đó bao gồm nền chính trị ổn định, hạ tầng giao thông đang dần phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu nhà ở lớn.
Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, thị trường chứng kiến nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đã và đang sẵn sàng mua và nhận chuyển nhượng các dự án từ chính các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong lĩnh vực bất động sản.
“Từ 2019 đến nay đã có một số dự án tập trung tại thị trường Hà Nội và TP.HCM đang trong quá trình thương thảo với tổng giá trị hơn 500 triệu USD. Dự kiến trong quý 3 và quý 4 sẽ có một số giao dịch diễn ra nếu thuận buồm xuôi gió. Nhóm các nhà đầu tư ngoại tích cực nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và một số nước châu Âu”, ông Khương cho biết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *